29/09/2020 13:39  
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tư duy kinh doanh chộp giật, mong muốn làm giàu nhanh chóng mà không chịu đầu tư thời gian và công sức để học hỏi và nghiên cứu, nhất là các công nghệ mới, công nghệ lõi của sản phẩm.


Quá nửa chủ doanh nghiệp có trình độ từ trung cấp trở xuống

Với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững”, sáng nay (23/12) tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Trình bày báo cáo với chủ đề Phát triển doanh nghiệp - Động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2018 đạt 953,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2017, tăng 33,9% so với năm 2016.

Theo ông Dũng, trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội; đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu.

Doanh nghiệp cũng chính là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Chí Dũng, khối doanh nghiệp vẫn còn nhiều “mảng tối” tồn tại. Theo đó, ông Dũng nêu rõ 5 vấn đề lớn để thẳng thắn nhìn nhận.

Thứ nhất, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thức. Theo đó, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao.

Thứ hai, cơ cấu quy mô doanh nghiệp còn chưa bền vững khi thiếu doanh nghiệp lớn, cỡ vừa.

Thứ ba, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, máy móc thiết bị lạc hậu; chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp. Đặc biệt công nghệ lõi, công nghệ tiên phong - Chỉ 10% tổng số doanh nghiệp đã từng đăng ký hoặc đăng ký thành công 1 bằng sáng chế trong vòng 3 năm gần đây.

“Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể sở hữu một phát minh sáng chế. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào đổi mới công nghệ trung bình chỉ chiếm 0,2-0,3% doanh thu trong khi đó ở Ấn Độ là 5%, Hà Quốc là 10%. Trên thực tế, sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan nghiên nghiên cứu và trường đại học còn yếu”, ông Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Tiếp đến theo ông Dũng, trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, thiếu tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn; chưa chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị, thiếu lao động chất lượng cao, có tay nghề.

Theo một kết quả điều tra, có tới 55,63% số chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10) xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm.

“Như vậy, nhân lực nước ta còn yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong công nghiệp”, ông Nguyễn Chí Dũng nhận xét.

Muốn giàu nhanh chóng nhưng “lười” đầu tư

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một loạt nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên.

Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do nhiều doanh nghiệp vẫn còn tư duy kinh doanh chộp giật, mong muốn làm giàu nhanh chóng mà không chịu đầu tư thời gian và công sức để học hỏi và nghiên cứu, nhất là các công nghệ mới, công nghệ lõi của sản phẩm.

Bên cạnh đó, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội, với quốc gia nên vẫn có tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại, gây ô nhiễm môi trường…

Về nguyên nhân khách quan, ông Dũng cho rằng do cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, chất lượng cải cách môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Đáng chú ý theo ông Dũng, sự phân biệt đối xử giữa khu vực tư nhân và khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn khá phổ biến, đặc biệt là trong thực thi.

Trong khi đó, cách thức quản lý nhà nước ở các bộ, ngành và địa phương có sự thay đổi, cải cách nhưng chưa đồng đều, còn chậm.

Gợi mở một số định hướng và giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu một số nhiệm vụ cần làm để phát triển doanh nghiệp và kinh tế tư nhân trở thành trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Chẳng hạn như cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề. Từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, cần có khát vọng tạo ra các sản phẩm được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam; phát triển bởi con người Việt Nam; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.

Nguyễn Mạnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


doanh nghiệp   Chính phủ   Hà Nội   Ngân hàng   Thủ tướng   Việt Nam   chiến lược   chính sách   doanh nghiệp   giá trị   làm giàu   phát triển   sáng tạo   thành công   tập trung   Đầu tư   Đầu tư   đầu tư