29/09/2020 13:39  
"Cơ hội của quốc gia này lại là thách thức của quốc gia khác và ngược lại. Chúng ta tận dụng cơ hội, chắt chiu, tận dụng, và tránh được thách thức. Quốc gia nào tận dụng được hết các cơ hội sẽ thành công. Cơ hội là bình đẳng như nhau, ai biết nắm thì thành công".

Chia sẻ về tầm nhìn năm 2019 và những năm tiếp theo của ngành Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ lớn, song cũng không ít thách thức. Cần có bản lĩnh, trí tuệ người Việt Nam mới để giúp dân tộc bứt phá, giàu mạnh, hùng cường.

Việt Nam mới bằng Hàn Quốc cách đây 40 năm

Ông Dũng cho rằng, chúng ta đạt được nhiều thành tựu sau 30 năm đổi mới, đã tiến xa so với chính chúng ta, nhưng chưa thấm gì so với thế giới.

"Thế giới đã thay đổi rất nhanh trong 30 năm qua. Chúng ta chỉ xếp 136/188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trình độ phát triển của ta cũng chỉ bằng Hàn Quốc cách đây 40 năm Hàn Quốc cũng thế, 20 năm Malaysia cũng thế…. Do đó, chặng đường phía trước là hết sức khó khăn", Bộ trưởng Dũng nêu.

Ông Dũng cho rằng, Việt Nam phải chủ động quyết định, hoạch định tương lai, con đường đi, của thế hệ sau này. Đây là thời điểm hết sức quan trọng, nhưng người dân phải có khát vọng, tinh thần dân tộc, chăm chỉ hơn thì quốc gia sẽ thịnh vượng, người dân sẽ hạnh phúc.

Ông Dũng nói, hiện Việt Nam được coi là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo, hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời hạn. Việt Nam giảm được từ 40 triệu người nghèo, xuống chỉ còn khoảng 5,3 triệu hiện nay, theo chuẩn nghèo đa chiều.

Tuy nhiên, số lượng người nghèo, người yếu thế còn rất nhiều. Chúng ta cũng có trên 1,5 triệu người cao tuổi, 1,1 triệu người khuyết tật nặng, 98.000 người đơn thân nuôi con cận nghèo, phải nhận trợ cấp xã hội….

Chúng ta không chỉ tập trung phát triển kinh tế còn chăm lo xã hội, hướng tới xã hội công bằng, thực hiện thành công nghị sự về phát triển bền vững, phát triển bao trùm, không để ai lại phía sau, mọi chính sách đều phải hướng tới sự hạnh phúc của người dân.

Bảo vệ môi trường còn nhiều thách thức như ngập úng, ô nhiễm, rác thải là sống còn… đặc biệt là 2 thành phố lớn tại Hà Nội và TP.HCM. Nếu không giải quyết các vấn đề này thì nó sẽ là trở ngại cho sự phát triển kinh tế.

Gần đây khu vực tư nhân cũng phát triển, nhà đầu tư lớn, làm được nhiều công trình tầm cỡ, khẳng định các doanh nghiệp đầu đàn. Thể hiện chủ trương của Đảng coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính trong phát triển kinh tế.

Trưởng ngành Kế hoạch cho rằng, thời gian tới kinh tế còn nhiều thách thức và biến động. Khi nền kinh tế có độ mở lớn, đầu tư nước ngoài có độ mở cao. Những tiến bộ về công nghệ làm thay đổi cách thức phát triển. Rủi ro khủng hoảng kinh tế thế giới, có thể làm ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu…Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đây là thách thức rất lớn.

Ông Dũng cho biết, để đưa nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tốc độ các năm tới phải nhanh hơn, bứt phá hơn chính mình, đuổi kịp các nước khu vực và thế giới. Động lực thời gian tới cải cách thể chế là quan trọng nhất. Phải coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực, là mục tiêu.

Cơ hội và thách thức luôn tồn tại song hành như nhau. Cơ hội không phải tự nhiên đến, cả thách thức cũng vậy, mà do chính chúng ta tạo ra.

Cơ hội là bình đẳng, quốc gia nào nắm bắt sẽ thành công

"Cơ hội của quốc gia này lại là thách thức của quốc gia khác và ngược lại. Chúng ta tận dụng cơ hội, chắt chiu, tận dụng, và tránh được thách thức. Quốc gia nào tận dụng được hết các cơ hội sẽ thành công. Cơ hội là bình đẳng như nhau, ai biết nắm thì thành công", Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng minh chứng bằng cuộc đua kinh tế mới trong xu thế của Cách mạng 4.0. "Cách mạng 4.0, nếu chúng ta không nhạy bén, kịp thời, coi đây là một cơ hội vô cùng quý báu, thì chúng ta tận dụng biến nó thành động lực. Còn nếu không, nó sẽ mất đi. Nếu chúng ta đi kịp chuyến tàu này thì khoảng cách với các nước sẽ ngắn hơn, chúng ta sẽ bắt kịp, đi cùng. Nếu không nắm được nó thì sẽ khác, bởi thế giới người ta không đợi mình đi theo", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Ông Dũng cho biết, hiện Việt Nam có gần 100 triệu người, không còn là một nước nhỏ, hơn một nửa là 55,4 triệu người lao động, gần 60% dân số cả nước (trên 15 tuổi) , chúng ta đang ở cuối thời kỳ dân số vàng.

Với lực lượng la động dồi dào, chúng ta có lợi thế rất lớn về lao động, đây chính là cơ hội, là nguồn lực quan trọng, nhưng cũng là thách thức rất lớn.

"Chúng ta mới có ưu thế về số lượng, còn chất lượng chưa cao, trình độ, kỹ năng còn thấp. Sức sáng tạo của con người Việt Nam còn hạn chế", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng: "Triển vọng của đất nước, khát vọng của con người Việt Nam, để vươn tới đất nước ngày càng giàu mạnh, chúng ta phải khẳng định mọi người dân đều có khát vọng vươn lên, có tinh thần dân tộc mãnh liệt".

Ông Dũng cho rằng, Việt Nam không còn là một nước nhỏ bé nữa, khác với trước đây trước đây rất nhiều. Việt Nam đã lớn mạnh, đang lớn mạnh và sẽ lớn mạnh.

"Đã đến lúc chúng ta có thể chủ động để quyết định tương lai của mình, định hình cho tương lai của mình và thế hệ mai sau, tương lai có một đất nước thịnh vượng. Một đất nước phải có chăm chỉ hơn, đồng tâm hiệp lực, cùng gánh vác, khát vọng, sẽ xâu dựng một đất nước hùng mạnh hơn nữa". Bộ trưởng KH&ĐT nhắn nhủ.

Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: dantri.com.vn


doanh nghiệp   HCM   Hà Nội   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   khủng hoảng   phát triển   sáng tạo   thành công   tập trung   đầu tư