Từ lâu tôi đã nghe danh “Cổng Trời quê Bọ”, nên cũng có chút tò mò. Kinh nghiệm du lịch vùng núi cao cần có người hướng dẫn giỏi. Năm 2019 tôi đạp xe ở Bandung (Indonesia),đã có giải pháp tìm người hướng dẫn: ra ga tàu hỏa đứng xa 10m và quan sát 20 ông xe ôm, sau 30 phút chấm được một tay tốt nghiệp đại học đang thất nghiệp, đi với hắn 3 ngày liền, biết rất nhiều thứ, chi phí rẻ. Ở Minh Hoá quê ta không thể có người giỏi thế, nên tôi cũng lân la chủ Hotel điều nghiên cánh xe ôm, tốt nhất là một cựu chiến binh 50-60 tuổi, rồi cũng kiếm được một tay xe ôm như mong muốn và dọc đường chỉ trỏ cho tôi đủ thứ cần tìm.
***
Cổng Trời Cha Lo ở cây số 34,5km trên đường 12A, từ ngã ba Khe Ve đến hết đèo Mụ Giạ.(chỉ cách cửa khẩu Cha Lo 5km). Cổng Trời được tạo bởi hai khối đá tự nhiên khổng lồ tạo nên, một bên tiếp giáp với vách núi, một bên là vực thẳm, chênh vênh giữa núi cao, rừng thẳm huyền bí như cái cổng của trời.
Trên đường đến cổng trời có bản Y Leng. Cổng trời và Y Leng gắn với một truyền thuyết của vùng xã Dân Hóa, gắn với truyền thuyết một tình yêu để đời cho thế hệ sau.
***
Tay xe ôm bảo là truyền thuyết của tộc người Khùa tại địa phương kể thời xưa ở đây là vùng đất bằng phẳng, làng bản sầm uất. Sông Rào Cái chảy qua thung lũng chia thành năm nhánh uốn lượn tưới tắm cho đồng ruộng của các làng bản nên quanh năm lúa ngô xanh mượt. Dân bản mở hội ăn mừng được mùa. Chúa đất Khăm Ta của tộc người Khùa đã tổ chức lễ cưới cho con gái là nàng Y Leng. Y Leng đã chuẩn bị nắn búi tóc, sửa lại váy có nhiều tua bạc lấp lánh rồi dạo ra bờ sông để đón người yêu. Bên kia sông, họ nhà trai cũng chuẩn bị chè rượu, mâm xôi, trống kèn để xuống bè sang sông. Chàng rể Thoong Ma là người Mày (nhóm dân Chứt)cũng đang đóng khố để sang đón người yêu. Chàng đứng bên này ngẩng đầu nhìn nàng Y Leng ở bên kia sông, khi Thoong Ma bước lên bè để sang bờ bên kia, tự dưng chiếc bè trùng triềng, Thoong Ma lỡ đà, ngã chúi. Bên kia nàng Y Leng trông sang thấy thế hoảng hốt và cũng trượt chân ngã nhào người xuống sông. Thoong Ma lao theo dòng nước để cứu người yêu, nhưng do nước chảy quá xiết nên đã cuốn nàng Y Leng. Chàng trẻ cứ tìm suốt ba ngày đêm vẫn không thấy, thẫn thờ đi dọc bờ sông tìm xác người vợ yêu quý trong vô vọng. Người dân bản cho rằng dưới sông có con thuồng luồng đã nuốt nàng Y Leng mất rồi. “Thôi về đi, không thể tìm thấy Y Leng đâu” .
***
Thoong Ma quyết chí giết bằng được thuồng luồng để báo thù cho vợ mình. Từ sáng tinh mơ, Thoong Ma đã thức dậy, leo lên đỉnh núi Cà Tôộc, chọn hai tảng đá lớn, chàng vào rừng rậm chặt đòn gánh rồi gánh đá để lấp hang thuồng luồng ở trên đỉnh núi Xi Phay. Chàng đi hết bao nhiêu núi đồi đến khi đòn gánh cong lại như cánh cung mới về đến đầu làng. Nhưng không may đòn gánh gãy, hai hòn đá rơi xuống, ý định lấy đá lấp hang thuồng luồng của Thoong Ma không thành. Chàng mắc bệnh và mất. Hai tảng đá do chàng làm rơi đã chụm lại thành cổng đi vào làng. Núi đá chênh vênh nhưng cũng rất huyền ảo.
Dân làng xôn xao cảm động, luôn tưởng nhớ chàng trai có dũng khí và sức mạnh cũng như tình yêu chung thủy đó. Làng Cà Tôộc nhất trí đặt tên cho hai hòn đá chụm lại đó là “Cổng Trời” và tiếp theo là đổi tên bản cũ thành bản Y Leng.
***
Trên đường đi dọc theo sườn núi có nhiều danh từ Y Leng (có nơi viết là Y Leeng), có lẽ vì tên bản như thế nên cả trường Mầm Non, trường tiểu học, chợ, cửa hàng tạp hoá... cũng mang tên Y Leng. Cũng có thể là câu chuyện thật sự, cũng không loại trừ thổi phồng giai thoại thành “truyền thuyết gần như thật”.
Ngẫm lại chuyện 18 đời Vua Hùng ở Phú Thọ đã lãnh đạo xứ Việt 2.500 niên, đã được Chính Phủ và toàn thể dân Việt công nhận là các vị tiền nhân dựng nước. Nào ai biết làm thế nào thời xưa mỗi Vừa Hùng cái trị 138 niên, tức là tuổi thọ các vị Vua bình quân là 150 tuổi. Thế mà mỗi lễ hội Vừa Hùng hàng năm có trên 5 triệu người chen lấn Xô đẩy để “được thắp hương tưởng nhớ Người Lập Quốc”. Cho nên ta cũng có thể tin truyền thuyết “Cổng Trời-Y Leng”là đúng như người Khùa nói.
***
Nghĩ thêm chút nữa, biết đâu có thế lực tâm linh nào đó phù hộ cho bộ đội ta đã chiến thắng đế quốc lớn nhất thế giới ở nơi này. Rõ là ngần ấy bom đạn tinh xảo mà Mỹ đã thua. Cổng Trời đã là di tích nổi danh thời chống Mỹ ,là “tọa độ lửa” vang dội những chiến công của các đơn vị bộ đội, các trận chiến đấu với máy bay Mỹ bảo đảm sức sống cho tuyến đường 12A huyền thoại.
Mà biết đâu chàng Thoong Ma và nàng Y Leng vẫn luôn phù hộ cho chúng ta từ thời chống Mỹ đến ngày nay?