28/09/2020 14:49  
Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân tại TP.HCM đang thiếu thì TP.HCM hiện có 9.400 căn hộ tái định cư để không hàng chục năm, riêng kinh phí bảo trì các dự án bỏ hoang này mỗi năm là 71 tỷ đồng. Đây là nghịch lý đang được dư luận quan tâm.

Khu tái định cư Bình Khánh (thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm) quận 2 hoàn thành từ năm 2015, được xem là khu tái định cư lớn nhất TP.HCM nhưng đến nay còn hơn 2.200 căn hộ xây xong bị bỏ không gần 4 năm. 

Tại huyện Bình Chánh có cả một khu tái định cư với quy mô cả chục nghìn căn nhưng tỷ lệ người ở chỉ chiếm khoảng 15%. Đơn cử, khu tái định cư Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh đã được ngân sách chi khoảng 1.000 tỷ đồng để xây dựng và hoàn thành vào năm 2008 nhưng cũng đang bỏ trống hơn 1.000 căn trong số 1.939 căn hộ được xây (tỷ lệ có hộ ở chỉ có khoảng 25%). Hay chung cư 12 tầng trong khu tái định cư 10ha ( phường Tân Thới Nhất, quận 12) nhiều năm nay vẫn vắng bóng người, nhiều cánh cửa vẫn đóng chặt...

Do nhiều diện tích bị bỏ hoang, không người ở, không được duy tu nên các khu tái định cư này đều xuống cấp và chung một tình trạng cây cỏ um tùm, hoang vắng, nhiều khối nhà vẫn đang im ỉm đóng, nhiều hạng mục hư hỏng, các hệ thống báo cháy, điện nước hư hại, một số căn hộ đang ở thì trong tình trạng dột, ngấm nước...

Được biết, các khu tái định cư được hình thành theo chủ trương của Thành phố để khi xây dựng xong các dự án trọng điểm, người dân sẽ có ngay nhà ở tái định cư để chuyển về. Tuy nhiên, quá trình điều tra xã hội học không hiệu quả dẫn đến việc không mong muốn, các hộ dân nhận tiền tái định cư thì lại tự đi tìm chỗ ở, rất ít người vào ở trong các dự án tái định cư vì nhiều lý do, trong đó phần lớn là do điều kiện sinh sống khó khăn. Hơn nữa, đa số các khu tái định cư đều có  5 tầng nhưng không có thang máy, chất lượng xây dựng lại thấp.

Nghịch lý của các dự án tái định cư còn là sự lãng phí, ngoài ngân sách duy tu hằng năm của Thành phố khoảng 7,1 tỷ đồng thì các chủ đầu tư cũng đang bị chôn vốn. Chỉ riêng dự án Vĩnh Lộc giá xây dựng đã hơn 4,6 nghìn tỷ và nhiều năm chủ đầu tư không chỉ bị chôn vốn mà còn phải cộng thêm lãi vay.

Để giải quyết nghịch lý này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng: “Thành phố phải chấp nhận lỗ để bán đấu giá các dự án này cho doanh nghiệp (DN) và những người có nhu cầu. Để giải cứu 9.400 căn hộ tái định cư, Thành phố đã nhiều lần bán đấu giá nhưng bất thành. Mới đây, 2.200 căn hộ ở quận 2 cũng được đấu giá lần hai nhưng đều thất bại, khu Bình Chánh thì phải chờ làm xong đường giao thông kết nối mới bán được giá cao hơn. Theo Sở Xây dựng, dự án tái định cư quận 2 sẽ đưa ra bán đấu giá lần ba.

Trước thông tin này, nhiều DN kinh doanh bất động sản cho rằng, Thành phố cần có nhiều chính sách đấu giá hợp lý vì những lần bán đấu giá trước đều không thành công do đưa ra phương án bán đấu giá là bán nguyên cụm chung cư với hàng nghìn căn hộ với giá trị khá lớn. Do đó, trong đợt bán đấu giá tới đây nên chia ra thành nhiều “gói" nhỏ, từ 5-10 căn hộ để bán cho các nhà đầu tư nhỏ, hoặc giao cho DN đầu mối đứng ra tổ chức bán từng căn cho những người có nhu cầu nhà ở thực sự, hoặc chia ra theo sàn, cụm, bán lẻ từng căn. Đặc biệt, phải tính toán giá khởi điểm phù hợp và có cơ chế để DN chuyển đổi thành nhà ở thương mại để tăng giá trị, đồng thời hỗ trợ cấp sổ hồng từng căn hộ ngay để kích cầu.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


doanh nghiệp   Bất động sản   HCM   Hiệp hội   bán lẻ   bất động sản   chính sách   doanh nghiệp   giá trị   thành công   đô thị   đầu tư